đơn vị quản lí hành chính ở Việt Nam. Thế kỉ 2 tCn. nhà Hán xâm chiếm Nam Việt, đặt thành quận huyện. Âu Lạc cũ trong đất Nam Việt có 3 quận, gồm 22 H. Từ đó về sau trải qua nhiều triều đại cho đến ngày nay, cấp H vẫn được duy trì. Vào thời Lê Sơ, H là cấp ở giữa xã và phủ, phủ bao gồm nhiều H và H bao gồm nhiều xã. Từ thế kỉ 15 về sau, chính quyền Hậu Lê lại đặt thêm cấp tổng phụ thuộc vào H, làm trung gian giữa H và xã. Quan chức đứng đầu H vào thời Trần đến đầu Lê Sơ là chuyển vận sứ, từ thời Lê Thánh Tông (1460 – 97) về sau là tri huyện. Một số phạm vi lãnh thổ các H thời Lê Nguyễn đến nay vẫn được duy trì. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945 đến nay, cấp phủ và tổng bị xoá bỏ. H là một đơn vị hành chính, là một cấp quản lí hành chính của Nhà nước Việt Nam, trực thuộc cấp tỉnh và cấp thành phố trực thuộc trung ương; được xác định bởi địa giới nhất định. Đơn vị hành chính tương đương với H là thị xã, quận và thành phố trực thuộc tỉnh (gọi chung là cấp H). Mỗi H bao gồm một số xã và thị trấn. Tổ chức bộ máy chính quyền cấp H được lập ra thông qua việc bầu cử hội đồng nhân dân cấp H theo định kì. Chính quyền cấp H bao gồm hội đồng nhân dân, uỷ ban nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, toà án nhân dân. Chính quyền cấp H hoạt động theo cơ chế do Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định; có trách nhiệm bảo đảm thi hành nghiêm chỉnh Hiến pháp và pháp luật ở địa phương; đề ra và tổ chức thực hiện các kế hoạch về phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách, về quốc phòng – an ninh ở địa phương, về biện pháp ổn định và nâng cao đời sống của nhân dân ở địa phương, hoàn thành mọi nhiệm vụ cấp trên giao cho, làm tròn nghĩa vụ đối với Nhà nước.
nd. Đơn vị hành chánh dưới tỉnh, gồm nhiều xã ( Riêng ở Nam Bộ thời Pháp thuộc, huyện được gọi là Q. và gồm 1 số ít tổng, một tổng gồm nhiều xã ) .
Là đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh và trên cấp xã. Tương đương với cấp huyện ở thành phố là quận – đơn vị hành chính dưới cấp thành phố thuộc trung ương và trên cấp phường. Trước Cách mạng tháng Tám 1945, còn có phủ – tương đương hoặc lớn hơn về mặt địa bàn và nhiều hơn về mặt dân số so với cấp huyện. Ở miền núi gọi là châu. Huyện, phủ và châu – trước Cách mạng tháng Tám 1945 là đơn vị hành chính mang tính chất trung chuyển chủ trương, mệnh lệnh từ trên xuống và nắm sát được tình hình mọi mặt của cấp xã để truyền đạt, báo cáo lên trên một cách nhanh chóng, đảm bảo sự nhanh nhạy của bộ máy quản lý nhà nước. Bộ máy hành chính cấp huyện thường gọn, nhẹ. Một số nước phát triển ngày nay, dựa trên những thành tựu phát triển cao các ngành giao thông và thông tin, có xu thế bỏ cấp huyện để giảm bớt gánh nặng chi phí các bộ máy nhà nước. Ở Việt Nam, bộ máy cấp huyện, quận có đủ các bộ phận gần giống như cấp tỉnh, ở huyện, quận có hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện, quận.
Nguồn: Từ điển Luật học trang 238
Source: https://datxuyenviet.vn
Category: Kiến Thức Bất Động Sản